Đăng ký khai tử cho người chết trên phương tiện giao thông

NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

1. Trình tự thực hiện:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ: Cá nhân chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định.

Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ:

1. Địa điểm: Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết tiếp nhận hồ sơ.

2. Thời gian: Trong giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ Lễ, Tết theo quy định).

3. Những điểm cần lưu ý khi tiếp nhận hồ sơ:

a) Đối với cá nhân, tổ chức:

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chết, thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử cho người chết. Trường hợp, thân nhân của người chết không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.

- Người đi đăng ký khai tử nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực các giấy tờ quy định trong thành phần hồ sơ (các bản chính sau khi đối chiếu xong trả lại ngay).

- Trường hợp người chết không có thân nhân, thì Giấy báo tử được gửi cho UBND cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai tử  để UBND cấp xã đăng ký khai tử.

(được sửa đổi, bổ sung so với lần công bố trước theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ).

b) Đối với cơ quan tiếp nhận hồ sơ: cấp Giấy biên nhận hồ sơ cho cá nhân.

Bước 3. Xử lý hồ sơ của cá nhân, tổ chức:

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai tử và bản chính Giấy chứng tử. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Trường hợp người chết không có thân nhân, khi Giấy báo tử được gửi cho UBND cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai tử thì UBND cấp xã thực hiện đăng ký khai tử.

 Bước 4. Trả kết quả:

1. Địa điểm: Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

2. Thời gian: Trong giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ Lễ, Tết theo quy định).

2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp.

3. Thành phần và số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ bao gồm (các loại giấy tờ phải nộp và xuất trình):

- Biên bản xác nhận việc chết do chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông lập có chữ ký của ít nhất hai người cùng đi trên phương tiện giao thông đó, cấp cho thân nhân người chết để đi khai tử: 01 bản chính;

- Giấy chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của người đi đăng ký khai tử: 01 bản sao hoặc 01 bản sao có chứng thực;

- Sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú của người chết (nếu có): 01 bản sao hoặc 01 bản sao có chứng thực.

(được sửa đổi, bổ sung so với lần công bố trước theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ (được sửa đổi, bổ sung so với lần công bố trước theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ).

4. Thời hạn giải quyết: Trong ngày làm việc; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

(được sửa đổi, bổ sung so với lần công bố trước theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ).

5. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: Uỷ ban nhân dân cấp xã.

b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không.

c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Ủy ban nhân dân cấp xã .

d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Không.

6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.

7. Yêu cầu hoàn thành mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không.

8. Lệ phí: Không.

9. Kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng tử (bản chính).

10. Yêu cầu hoặc điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không.

11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2006;

- Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2012;

- Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, có hiệu lực ngày 09/7/2008;

- Thông tư số 08a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch, có hiệu lực ngày 10/5/2010;

- Quyết định số 77/2010/QĐ-UBND ngày 11/01/2010  của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định mức thu lệ phí hộ tịch, lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, có hiệu lực ngày 21/10/2010.