YÊN PHÚ VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA

Yên Phú là một vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử và văn hoá gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Trải qua các bước thăng trầm lịch sử, các thế hệ người Yên Phú đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách từng bước đi lên cùng với nhân dân các xã trong huyện xây dựng huyện Yên Định là đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

     Truyền thống lao động

        Xuyên suốt ngàn năm lịch sử, ngay từ thuở sơ khai mở đất và quá trình lập ấp, dựng làng trên vùng đất bán sơn địa sông suối, gò đồi, rừng rú hoang vu đã tôi luyện cho người dân Yên Phú trí thông minh và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo. Họ đã biết dựa vào điều kiện tự nhiên của dải đất ven sông Cầu Chày, từ những gò, đồi cao làm điểm tựa dựng nhà, lập xóm cùng cộng cư tạo dựng cuộc sống. Bằng bàn tay lao động, con người nơi đây đã bền bỉ cải tạo tự nhiên, biến vùng đất hoang vu thành xóm làng trù phú, phát triển nông nghiệp trồng lúa, hoa màu, khoai, đậu; các loại cây công nghiệp như bông, sở, chè..., cùng các ngành nghề truyền thống.

        Đó chính là nét đẹp được người Yên Phú hun đúc thành truyền thống trong lao động, mà chứng tích còn ghi đậm ở 186 xứ đồng lớn, nhỏ trồng lúa, trồng màu, cây công nghiệp với các tên gọi cổ như: các gò, đồi bái Đồng Sông, Ma Lược, Ma Miễu, Ông Mồ, Bùi Dù, Ông Thị, Cây Găng, Gò ông Quế, Dọc Bò, Cằn Chứa, Ma Nhủ..., các trại làng Bái, Lông Thôn, Đồng Dưa; các dãy Tròn, Ông Xếp...; các gò Rinh, gò Mả, Mô, Ông Tềnh...; các cánh đồng Kẻ Xi, Kẻ Cáo, Kẻ Còng, Kẻ Đu, Kẻ Tềnh, đồng Tràn Cạn, đồng Trân Sâu, Nổ, Đá, đồng Hón, Dọc Mọi...

       Với 2/3 diện tích canh tác là gò, đồi, còn lại là những cánh đồng trồng lúa nước, trong đó có các cánh đồng chiêm trũng nằm ven sông Cầu Chày, nhưng tiêu úng khó khăn trong mùa mưa, thường gây lụt úng mất mùa. Đây là một trở ngại thử thách sức lao động kiên cường của người Yên Phú trải qua nhiều năm, tháng đã đắp đê, làm thuỷ lợi, chế ngự dòng sông, cải tạo đất chua, bạc màu trở thành những cánh đồng trồng lúa xanh tốt. Từ thế kỷ X (thời Tiền Lê) sau khi đánh thắng giặc Tống, Vua Lê Đại Hành đã khôi phục phát triển kinh tế và cho đào vét nhiều sông ngòi trong cả nước. Tại Thanh Hoá, tướng Đào Lang (người làng Bùi Đỉnh, này là Làng Trịnh Lộc xã Yên Phú)(1)  ((1) Đào Lang là tướng của nhà Đinh và Lê Hoàn, ông có nhiều công lao trong trận mạc, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá. Ngày nay, khi nhìn lại công việc đào sông dưới thời Lê Hoàn, chúng ta mới thấy được công lao to lớn của Đào Lang) .được cử làm chỉ huy việc đào sông từ Đan Nãi đến Bà Hoà. Ông đã chỉ huy quân, dân, trong đó có các làng (Yên Phú nay) đào xong các kênh từ Đồng Cổ (Yên Thọ) qua Hà Xá, làng Bùi (Yên Phú, Yên Giang) nối sông Mã với sông Cầu Chày và nhiều kênh khác, tạo nên hệ thống giao thông đường thuỷ hoàn chỉnh cũng như hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các thời sau, nhân dân các làng (Yên Phú) cùng nhân dân huyện, tỉnh luôn bồi trúc, nạo vét kênh mương phát triển nông nghiệp.

 

        Với kinh nghiệm trong quá trình sản xuất nông nghiệp trồng trọt, người dân Yên Phú đã biết phân vùng canh tác phù hợp cho từng loại cây trồng: lúa nước trồng ở những cánh đồng kề sông, nổ trũng. Đã chú ý chọn những giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và từng chân ruộng chiêm, mùa. Giống lúa vụ mùa là các loại lúa Chậu, Hạt Tiêu (cấy đồng sâu); đồng vàn cấy Gié Muối, Ghé Nghệ (gieo mạ tháng 4, cấy tháng 5, thu hoạch tháng 10 âm lịch). Giống lúa vụ chiêm bao gồm Chiêu Chanh, Chim Châu, Chim Cút; các loại giống nếp Mày, nếp Vàng, nếp Trắng... (gieo mạ và cấy tháng 9, 10, thu hoạch tháng 5 âm lịch hàng năm). Trên đồng cao thì trồng lúa Lốc (chịu được hạn).

         Yên Phú không chỉ giàu kinh nghiệm trong gieo trồng cây lúa mà còn rất giàu kinh nghiệm về trồng khoai lang, các loại đậu, các loại cây công nghiệp.

        Khoai lang Yên Phú được trồng trên các chân ruộng cao, đất pha cát (trồng tháng 10, 11, thu hoạch tháng 4, 5 âm lịch). Do chọn được giống và hợp chất đất, nên khoai lang Yên Phú với các loại Lang Lim, Nghệ Vàng, khoai Chùm Dâu thơm ngon có tiếng trong vùng và đạt năng xuất cao, trở thành cây lương thực đứng sau lúa ở địa phương.

        Các loại đậu đen, tằm, tương và trứng quốc được trồng ở vùng đất màu, hoặc trồng xen với khoai. Ngoài ra còn trồng lạc, sắn trên đất gò, đồi. Song, các loại cây trồng này cũng chỉ phục vụ sinh hoạt cho mỗi gia đình.

       Các loại cây công nghiệp gồm: cây bông đã được trồng lâu đời ở Yên Phú, với diện tích khá lớn tại các xứ Đồng Ải, Đồng Độn, Ông Truật, Cổng Ải... Bông được gieo hạt vào tháng 12, thu hoạch vào tháng 5, 6 âm lịch. Bông ở Yên Phú đạt chất lượng tốt đã được đem bán ở chợ Bùi được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh trồng bông, nhân dân nơi đây đã sớm biết trồng cây sở để thu hái quả (vào tháng 8, 9 âm lịch), phơi khô ép dầu ăn. Bã khô dầu dùng bón ruộng rất tốt.

        Đáng chú ý, cây chè xanh ở Yên Phú được trồng với diện tích khá nhiều trên đồi, gò, quanh vườn. Chè xanh Bùi Hạ nổi tiếng trong vùng được nhân dân ca ngợi "Chè Đồng Sông thơm, vàng, xanh, mát, chát, ngọt được nước". Chè Yên Phú không chỉ tiêu thụ tại chợ Bùi mà đã được nhiều thương nhân mua gom vận chuyển tiêu thụ ở nhiều chợ trong tỉnh. Với chất lượng của các loại cây trồng nói trên ở Yên Phú nên xưa dân gian đã ca ngợi và truyền tụng tới ngày nay:

                              Chè Đồng Sông

                              Bông Đồng Ải

                              Khoai Ma Nhủ

                              Củ Ông Mồ.

         Chính sự đa dạng của các cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Phú đã là nguồn kinh tế cung cấp cho quê hương và đóng góp vào quá trình xây dựng xóm làng.

        Cùng với trồng trọt nghề chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, nuôi thả cá đã sớm phát triển trên quê hương Yên Phú và trở thành địa phương giàu kinh nghiệm trong chăn nuôi đàn trâu, bò.

       Đóng góp vào truyền thống lao động ở Yên Phú còn có các nghề thủ công truyền thống. Đó là các nghề mộc, nề, đan lát, nung gạch, nghề sơn trống, khai thác lâm thổ sản: gỗ, luồng, nứa, đốt than, thu hái măng, củ nâu… vận chuyển xuôi theo sông Cầu Chày về bán ở chợ Bùi. Các nghề thủ công nói trên ở Yên Phú đã không phát triển thành làng nghề truyền thống, chỉ là nghề tự cấp, tự túc.

           Là cửa ngõ giữa vùng đồng bằng trung du nối với miền núi phía Tây của tỉnh. Từ xưa, chợ Bùi (Yên Phú) trên chợ, dưới sông Cầu Chày, cũng là một điểm giao thương đã có ảnh hưởng rộng trong vùng, trong tỉnh với các mặt hàng lâm thổ sản (gỗ, luồng, nứa, măng, củ nâu, mộc nhĩ, than (củi), nông sản lúa gạo, khoai, bông, chè, sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá... Các mặt hàng bán buôn ở chợ Bùi không chỉ của Yên Phú mà do các làng, xã lân cận đưa đến (Yên Thịnh, Yên Hùng, Yên Bái, Yên Tâm, Yên Giang, Yên Trung…). Đặc biệt là các huyện miền núi Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ và các huyện miền xuôi như Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thiệu Hoá đều đến chợ Bùi bán buôn trao đổi hàng hoá. Vào phiên chợ chính (các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 hàng tháng) đông vui náo nức bởi dòng người gánh gồng, dùng xe trâu, bò chuyên chở, thuyền bè cập bến sông Càu Chày ra vào tấp nập… Đặc biệt, phiên chợ cuối năm cũng là ngày “cưới chợ” vào ngày 27 tháng 12 (âm lịch) là ngày mất của cụ tổ họ Lê Bá người có công thành lập chợ Bùi (vào thời hậu Lê) lại càng đông vui. Trong phiên chợ này, không chỉ nhiều hàng hoá bán buôn mà còn có nhiều trò chơi như kéo co, đánh vật, thò lò… chợ là điều kiện giúp cho Yên Phú giảm đi sự khép kín, mở rộng giao lưu và tiếp thu cái đẹp từ bên ngoài, làm giàu cho truyền thống lao động phát triển kinh tế - văn hoá quê hương.

          Trong quá trình lao động chinh phục thiên nhiên, khai phá đất hoang, biến vùng đất gò đồi rừng rậm thành đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú, các thế hệ ở Yên Phú đã xây dựng nên truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Từ trong lao động đã thúc đẩy mối gắn kết tình làng, nghĩa xóm để mỗi người dân Yên Phú nêu cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên quê hương.

          Truyền thống văn hoá

          Trải qua hơn ngàn năm lao động sáng tạo xây dựng, phát triển xóm làng, các thế hệ người Yên Phú đã đóng góp vào công cuộc gìn giữ quê hương đất nước và hun đúc nên những giá trị lịch sử, văn hoá giàu bản sắc.

             Về giáo dục: Yên Phú là vùng đất trải qua các thời luôn nêu cao truyền thống hiếu học. Thời phong kiến có vị đỗ đại khoa là Tiến sĩ Trần Thiều Sưởng. Ông quê ở tổng Khoái Lạc, làng Bùi Hạ (nay thuộc làng Bùi Hạ, xã Yên Phú); thi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775) đời Lê Hiển Tông (1740 – 1786), năm 40 tuổi, làm chức Thị thư và Hiến sát sứ. Đây là tấm gương để sĩ tử nơi đây ngưỡng mộ noi theo. Suốt thời phong kiến, việc học hành luôn được các gia đình, dòng họ nơi đây chú trọng. Một số gia đình khá giả, tự tổ chức lớp học, mời thầy đồ về dạy cho con em. Đối với làng, xã đã đề ra hình thức khuyến học như: miễn phu phen, tạp dịch, đặt “học điền” cho con em trong làng xã (tức tặng ruộng cho người đỗ đạt). Do đó, một số học trò đã theo học ở trường tổng, huyện. Do truyền thống hiếu học nên mặc dù thời phong kiến số người đỗ đạt cao không nhiều, nhưng đã tạo ra cho địa phương một lực lượng khoá sinh biết chữ Hán đông đảo, đóng góp vào sự phát triển giáo dục, văn hoá cho quê hương.

           Thời thuộc Pháp, việc học hành ở địa phương chủ yếu là con em các gia đình giàu có. Từ năm 1919, nền giáo dục Nho học chấm dứt, nhường chỗ cho giáo dục Pháp - Việt. Nhưng với chính sách “ngu dân”, thực dân Pháp không phát triển giáo dục, chỉ đào tạo một số lượng ít ỏi phục vụ cho ý đồ khai thác thuộc địa. Cho đến những năm 1940 trở đi đến khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công ở mỗi tổng có một trường. Trường tiểu học Pháp - Việt (tổng Khoái Lạc), đặt trên đất làng Bùi Hạ (Yên Phú), nhưng số người theo học không nhiều. Trường có 3 gian, dạy các lớp đệ nhất, đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ (nay gọi là các lớp 1, 2, 3, 4 bậc tiểu học). Tuy nhiên, do tinh thần hiếu học, nhiều gia đình khó khăn cũng cho con em theo học hết bậc tiểu học. Tại Yên Phú, lúc này đã có một số người vẫn học chữ Nho và cả chữ Quốc ngữ, chữ Pháp. Đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, tại các làng Bùi Hạ, Trịnh Lộc (Yên Phú) đã có gia đình nuôi thày trong nhà để dạy cho con em mình. Các làng có lớp Hương sư (vỡ lòng), có tổng số học sinh đạt 40 – 50 em. Song đại đa số con em nông dân nghèo không được đi học. Dân số hơn 90% mù chữ.

           Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hưởng ứng lời kêu gọi "chống nạn thất học", "diệt giặc dốt" của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống hiếu học của người Yên Phú được phát huy mạnh mẽ. Xã thành lập Ban Bình dân học vụ, phong trào Bình dân học vụ được phát dộng rộng rãi, nhân dân hưởng ứng sôi nổi đã đặt nền móng cho sự phát triển giáo dục trên quê hương Yên Phú.

            Cùng với phong trào xoá nạn mù chữ, các lớp học vỡ lòng được thành lập, Trường Tiểu học Khoái Lạc (tại Bùi Hạ) tiếp tục hoạt động ngay từ tháng 9 năm 1945 ((1) Tháng 6 năm 1948, Trường Khoái Lạc chuyển về chợ Đồn (Yên Tâm) mang tên mới là Trường Phú Nghĩa. Tháng 11 năm 1953, chia xã, Trường Phú Nghĩa giao cho xã Yên Tâm quản lý. Đầu năm 1954, Trường Tiểu học Yên Phú được thành lập, học sinh gồm con em Yên Phú, Yên Giang và một số làng lân cận), trường cấp II (nay là Trường THCS) cũng được ra đời (năm 1962) đã thu hút đông đảo con em trong xã đi học. Từ đây địa phương ngày càng có nhiều người học hành đỗ đạt với học vị cao đẳng, đại học và trên đại học. Nguồn tri thức quý giá đó đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

            Về y tế: Đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, chữa bệnh ở địa phương chủ yếu là các thầy thuốc Đông, Nam y tại các làng. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trạm y tế xã đã được thành lập. Mặc dù cơ sở vật chất lúc này còn nghèo nàn, nhưng đã tạo nề nếp về công tác y tế, vệ sinh ở địa phương. Đến nay với phong trào xã hội hoá công tác y tế, Yên Phú đang phấn đấu xây dựng thành công xã chuẩn Quốc gia về y tế.

          Về văn hoá: Là vùng đất cổ thuần nông với vị trí là cửa ngõ tiếp nối với vùng đồng bằng bán sơn địa với những núi rừng miền Tây của tỉnh, có đầu mối giao thông thuỷ thuận lợi (sông Cầu Chày), Yên Phú trong suốt chiều dài lịch sử đã tiếp nhận cư dân nhiều vùng miền trong ngoài tỉnh cùng cộng cư lập nghiệp. Do đó vùng đất thuần nông Yên Phú trở thành nơi hội tụ nhiều sắc thái văn hoá của dân tộc đã làm giàu cho văn hoá quê hương. Đó là sự lưu giữ đậm nét trên quê hương Yên Phú với nguồn văn hoá vật thể và phi vật thể như đền miếu, chùa, nghè, đình làng, phong tục, tập quán truyền thống, truyện kể dân gian, ca dao tục ngữ, lễ hội….

         Tục thờ tổ tiên (tại gia đình, dòng họ), tín ngưỡng thờ thánh, thần, thành hoàng (nhiên thần, nhân thần)(1)(1) Nhiên thần như thần rừng, thần núi , thổ địa (thần đất). Nhân thần như các danh nhân Lê Hoàn, Đào Cam Mộc, Đào Lang...có công với xóm làng đất nước qua các thời kỳ lịch sử ở đền, nghè, chùa, đình là nét đẹp văn hoá hướng về cội nguồn đã được nhân dân nơi đây giữ gìn, đào tạo. Từ xưa mỗi gia đình ở Yên Phú đều lập bàn thờ gia tiên được đặt nơi trang trọng nhất. Các dòng họ có nhà thờ họ, hoặc bàn thờ họ do Trưởng tộc đứng đầu. Các tập quán, tục lệ như tục vọng lão, tục cưới xin, việc lễ tang là “thuần phong mỹ tục” đã để lại nét đẹp văn hoá trở thành truyền thống trên quê hương Yên Phú. Tuy nhiên cũng cần loại bỏ những hủ tục đè nặng lên đời sống vốn đã khó khăn của người dân như lễ lạt nặng nề, rượu chè đình đám triền miên…

         Hệ thống đền, nghè, đình, chùa Yên Phú xưa thờ thần phật, thành hoàng cổ kính và kiến trúc khá lớn như Nghè Thượng, Nghè Hạ, Nghè Đình Tam, Phủ Bùi, chùa làng Trịnh Lộc, Nghè Trịnh Lộc...

         Nghè Thượng (làng Bùi Hạ)(2) (Nghè Thượng nằm ở phía Tây làng Bùi Hạ tại Bái Đồng Sông) được vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) lập khoảng năm 972 thờ thần “Phúc linh thần Bạch Hổ Đại tướng quân” đã có công phò trợ Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống. Nghè thượng sau cách mạng tháng 8 năm 1945 là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Yên Định lần thứ III (tháng 5 năm 1950). Đến năm 1951 Đại hội chiến sĩ thi đua của Liên khu III cũng diễn ra tại đây.

        Nghè Hạ (làng Bùi Hạ)(1) (1) Nghè Hạ nằm ở phía Nam làng Bùi Hạ tại Bái Ma Trại (thôn 3 nay). Đào Cam Mộc  có đền thờ tại làng Nam Thạch (Yên Trung nay), nhưng 2 lần lụt, tượng ông đều dạt về Bùi Hạ, cho là Ngài muốn đền thờ ở đây nên nhân dân Bùi Hạ lập nghè thờ và kết chạ với làng Nam Thạch hàng năm cùng tổ chức lễ hội. thờ Đại tướng quân Đào Cam Mộc (thời Đinh Tiên Hoàng, thế kỷ X). Nghè Hạ vào những năm 1948 – 1952 là nơi đón tiếp và điều trị thương binh chống Pháp. Từ năm 1954 là trưởng tiểu học xã Yên Phú.

          Phủ Bùi Hạ thờ thần là mẹ của Đại tướng Đào Cam Mộc (còn gọi là Phủ Mẫu) toạ lạc tại Đồng Quán (nay là trạm xá xã).

        Nghè làng Trịnh Lộc (nằm ở phía Nam làng) thờ mẫu Liễu Hạnh và thờ Bà Na, quê làng Trịnh Lộc có công giúp quân lính của Lê Lợi thoát khỏi sự truy đuổi của giặc Minh khi đến bờ sông Cầu Chày, bà đã doạ chúng: “sông Cầu Chày chó chạy đứt đuôi”, quân giặc sợ phải quay lại không dám lội qua sông.

       Chùa làng Trịnh Lộc còn có chùa thờ phật được xây dựng ở khu đất cao nên thường gọi là Bái Chùa (nay thuộc thôn 6).

      Mỗi làng ở Yên Phú xưa đều có đình làng thờ Thành Hoàng, là người có công với xóm làng, đất nước Đình Trung (làng Bùi Hạ) và Đình làng Trịnh Lộc.Các làng (Yên Phú) xưa còn có văn miếu (dựng tại làng Bùi Hạ - đại diện cho 18 làng trong tổng Khoái Lạc, thờ Đức Khổng Tử và các bậc Tiền hiền thánh Nho do hàng Tổng tổ chức tế lễ. Văn chỉ cũng được dựng tại 2 làng Bùi Hạ và Trịnh Lộc thờ Đức Khổng Tử (bậc thánh nho) do làng Văn tổ chức tế lễ hàng năm. Hai làng đều có Võ chỉ là nơi Hội Võ thực hiện tế lễ và sinh hoạt hàng năm. Qua đó thể hiện sự hiếu học của nhân dân (Yên Phú) thời phong kiến. Đáng tiếc, các di tích nói trên nay không còn nhưng vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của người dân về kiến trúc và lệ tế lễ hội làng duy nhất hiện nay ở Yên Phú còn lại đi tích Lăng Đá. (thời Lê - Trịnh thế kỷ XVIII). Đây là lăng đá nhà Trịnh với nhiều tượng đá các con giống voi, ngựa, các tượng người là những quan văn, võ được tạo tác công phu, nghệ thuật tạo hình độc đáo. Lăng đã được nhà nước xếp hạng công nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật đá cấp Tỉnh vào năm 2000. Trước đây, hàng năm vào các kỳ tế lễ “xuân thu nhị kỳ”, các ngày kỵ thánh thần… tại các đền, nghè, đình, chùa, phủ ở Yên Phú diễn ra trang nghiêm và sôi nổi. Phần lễ được thực hiện trang nghiêm nhằm tôn vinh các vị thần có công với xóm làng, đất nước. Đồng thời đã thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc: ghi nhớ công tích của các vị tiền nhân, nhớ về cội nguồn: “uống nước nhớ nguồn”. Sau phần lễ, hội làng diễn ra sôi nổi được tổ chức nhiều trò chơi như đánh cờ, chơi đu, kéo co, đấu vật, bắn nỏ… Đặc biệt là các phường hát bội của làng trong những đêm hội đã diễn các tích tuồng như Lưu Bình - Dương Lễ, Tống Trân - Cúc Hoa, Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên…

            Nhân dân các làng Bùi Hạ, Trịnh Lộc đã có những đóng góp vào kho tàng văn học dân gian với những phương ngôn, tục ngữ, ca dao, thơ, câu đối ca ngợi quê hương:

       Đông Kinh có bức địa đồ

Có sông tắm mát có hồ Ngọc Châu

        Trước làng thì có bãi dâu

Đằng sau voi ngựa đứng chầu về am….

        Làng ta tục sĩ nhân thuần

Địa hình nhân kiệt hồng quần kém ai…..

Thơ ca ngợi vùng đất “địa linh nhân kiệt” còn lưu dấu tích tại khu lăng đá (Trịnh Lộc):

Voi quỳ khiếp bóng im phăng phắc

Ngựa phục kình di chẳng xi măng

Võ sĩ cầm gươm chầu chăm chắp

Chiêm thành phục tội đứng giăng giăng

Kẻ qua người lại đều thăm hỏi

Đất có anh hùng mới thế chăng

Trịnh Lộc ta nay đất có Lăng

Địa hình thiên hạ sánh ai bằng.

Ca ngợi quê hương – vùng thuần nông với những sản phẩm nông sản chân quê đã được dân gian liệt vào loại dặc sản với

   Chè Đồng Sông

  Bông Đồng Ải

  Khoai Ma Nhủ

 Củ ông Mồ.

Song cũng có những câu ca dao phản ứng hủ tục thách cưới nặng nề:

     Trèo lên cái dốc cheo leo

Hỏi thăm Khoái Lạc tiền treo mấy bì

Tiền treo chỉ có quan hai

Lệ làng khảo rể trăm hai đùi vồ

Thôi thôi tôi trả ơn cô

Quan hai cũng nặng đùi vồ cũng đau

            Truyện kể dân gian ở Yên Phú cũng khá phong phú. Đó là truyện kể thủa lập ấp, dựng làng xây dựng quê hương thành vùng đất trù phú với sự phù trợ linh thiêng của các vị thánh thần. Trong đó, nổi bật là truyện kể về vua Lê Đại Hành khi còn danh tướng dưới triều Đinh Tiên Hoàng đã có công dựng lập làng Bùi Hạ; tướng Đào Lang có công  tạo dựng lập làng Trịnh Lộc. Truyện kể về đề tài chống ngoại xâm và những đóng góp của đất và người Yên Phú với những gương sáng như danh tướng Đào Lang (thời Đinh – Lê thế kỷ X). Bà Na cứu nghĩa quân Lê Lợi (thế kỷ XV) bằng trí thông minh đã doạ giặc “sông Càu Chày chó lội đứt đuôi” khiến giặc không dám lội qua sông truy đuổi nghĩa quân…

                 Truyền thống chống ngoại xâm

            Là vùng đất cửa ngõ giữa đồng bằng tiếp liền với miền núi rừng phía Tây tỉnh Thanh Hoá. Có đầu mối giao thông thuỷ (sông Cầu Chày) nối với sông Mã để đi tới mọi miền trong, ngoài tỉnh và ra tỉnh ngoài, vùng đất Yên Phú trong suốt chiều dài lịch sử đã đóng góp nhiều công sức trong mọi cuộc chống ngoại xâm của dân tộc.Từ thế kỷ X, theo Ngọc phả làng Bùi Hạ  khi Lê Hoàn là tướng dưới triều Đinh Tiên Hoàng đã lấy vùng đất Bùi Hạ (Yên Phú) làm căn cứ đắp luỹ luyện quân sĩ, cất dấu quân lương với tên gọi Quần Ngải Doanh(1) (1) Khi thành làng gọi là Trang Quần Ngãimà tên các đồn vẫn còn ghi dấu tích đến ngày nay như: Đồn Gò Rinh, Mả Ta cùng một số di vật được tìm thấy ở Gò Rinh gồm trống đồng, gươm, kiếm…. ông cho dựng miếu thờ Thổ thần và Nghè thờ “Bạch Hổ Đại tướng quân”, tạo ấp, lập làng, cho binh lính đồn trú cùng nhân dân địa phương phát triển thành khu dân cư đông đúc, xóm làng trù phú trở thành khu phòng thủ sẵn sàng chống giặc.

           Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế tự cầm quân chống giặc Tống xâm lược nước ta, quân dân làng Quần Ngải cùng làng Bùi Đỉnh (tức làng Trịnh Lộc) đã đóng góp sức người, sức của cao nhất góp phần đánh thắng giặc Tống xâm lược. Trong đội ngũ tướng sĩ triều Tiền Lê – Lê Đại Hành (Lê Hoàn) đã có nhiều tướng sĩ tức là những người con  của quê hương các làng (Yên Phú) như danh tướng Đào Lang (Bùi Đỉnh, Trịnh Lộc), Lộc tử phủ quận Nguyễn Hữu Phúc (Bùi Hạ).

           Đầu thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, từ núi rừng Lam Sơn anh hùng Lê Lợi đã phất cao cờ khởi nghĩa đón nhận nhân dân khắp mọi miền trong, ngoài tỉnh đến tụ nghĩa, trong đó có nhân dân các làng (Yên Phú). Ngoài việc đóng góp lương thực, thực phẩm, vũ khí cho nghĩa quân, nhân dân còn hết lòng che dấu, nuôi dưỡng nghĩa quân khi bị giặc truy lùng. Đó là gương Bà Na, một người chăn trâu tại ngã ba sông Cầu Chày thì bắt gặp nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh truy đuổi đã qua sông. Vừa lúc đó giặc kịp tới bà đã thông minh đánh lạc hướng chúng và doạ “sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi” khiến lũ giặc khiếp sợ tháo lui. Đồng thời nhiều người con các làng (Yên Phú) đã xung vào đội nghĩa quân tham gia chiến đấu chống giặc như các ông Lê Phúc Chí, Thiều Huy Thiêm… góp phần cùng cả nước đưa nghĩa quân Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo giành toàn thắng vào năm 1427.

           Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Yên Phú cùng với nhân dân cả nước đứng lên hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi (năm 1885)(1).

          Ngay từ năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi và dưới sự chỉ huy của Hà Văn Mao, tại tổng Khoái Lạc đã thành lập Đội tổng binh với sự tham gia của nhiều nghĩa sĩ các làng (Yên Phú) gồm:

 Ông Trần Văn Trình (còn gọi là Cai Bảng - làng Bùi Hạ) là đội trưởng đội tổng binh phụ trách chung.

 Ông Thiều Quang Đại (còn gọi là Cai Đại - làng Bùi Hạ) phụ trách quân lương.

Ông Nguyễn Công Cơ (làng Bùi Hạ) phụ trách khí giới

Ông Trịnh Hữu Lãm (làng Bùi Hạ) phụ trách tài chính, giấy tờ.

Các ông đã vận động nhân dân các làng (Yên Phú) cùng các làng trong tổng Khoái Lạc tập hợp lực lượng, tích trữ lương thực, vũ khí và mọi điều kiện sẵn sàng tham gia vào phong trào chống Pháp xâm lược đang bùng lên mạnh mẽ trong toàn huyện Yên Định

          Từ ngày 25 tháng 3 đến 26 tháng 4 năm 1886, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng mạnh tấn công Yên Định. Nghĩa quân các làng Yên Phú đã sát cánh cùng nghĩa quân trong huyện đánh giặc kiên cường. Trong các cuộc đánh địch ở An Luỹ (Quán Lào), Cầu Si, Thạch Lãn nghĩa quân của Lê Đình Phơn, Thiết Đanh, Quản Lĩnh (Kênh Khê) Lãnh Bốc (Bốc Cát) đã tiêu diệt tại Cầu Si nhiều tên địch, trong đó có tên tri huyện Điều là tay sai đắc lực của giặc Pháp chiến thắng của nghĩa quân đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các làng (Yên Phú) và toàn huyện. Yên Định và Quan Hoá đã trở thành trung tâm kháng Pháp mạnh nằm ở các lưu vực sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày đặt dưới sự chỉ huy của Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao.Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào chống Pháp trong toàn tỉnh đã đặt ra yêu cầu cấp bách cần tập hợp phong trào các vùng lại dưới một sự chỉ đạo chung. Do đó, tháng 3 năm 1886 Hội nghị Bồng Trung (Vĩnh Lộc) tập hợp các lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Thanh Hoá đã được tổ chức. Hội nghị đã quyết định cử Phạm Bành, Bật Đạt, Đinh Công Tráng phụ trách xây dựng căn cứ Ba Đình ở vùng đồng bằng phía Bắc Nga Sơn. Giao cho Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao phụ trách xây dựng căn cứ Mã Cao (thuộc xã Yên giang gần kề Yên Phú ngày nay).Căn cứ Mã Cao (thuộc xã Yên Giang nay) nằm liền kề với Yên Phú dưới sự lãnh đạo của Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao nhân dân trong vùng, trong đó có các làng (Yên Phú) đã bí mật xây dựng gấp từ giữa năm 1886 (cùng thời điểm xây dựng căn cứ Ba Đình). Đến cuối năm 1886 căn cứ Mã Cao hoàn thành, nhưng địch không phát hiện được. Khi căn cứ Ba Đình thất thủ (đêm 20 tháng 1 năm 1887) tức 27 tháng chạp năm Bính Tuất 1 nghĩa quân do Đinh Công Tráng lãnh đạo rút về Mã Cao. Do biết được tin tức, giặc Pháp cho 2 toán quân tiến đánh Mã Cao. Một toán do đại tá Đốt chỉ huy tiến đến Mã Cao qua vùng Phủ Quảng. Một toán do Đại tá Métdanhgiê từ tỉnh lỵ Thanh Hoá lên Thọ Xuân, rồi vượt sông Chu sang Yên Định. Một toán quân thứ 3 của Đại uý Giốp chỉ huy vận chuyển vũ khí, lương thực làm nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần theo đường sông Mã, vào sông Cầu Chày để đến Mã Cao. Toàn bộ lực lượng của giặc tập trung vào trận đánh gồm 63 sĩ quan, 897 lính Pháp 2 333 lính tập trung và 1747 dân phu bị chúng bắt đi phục dịch(1).

             Trưa ngày 2 tháng 2 năm 1887 (ngày 10 tháng giêng năm Đinh Hợi), hai toán quân Pháp đã hội quân ở vị trí tập kết là làng Bùi Hạ (xã Yên Phú nay) cách căn cứ Mã Cao 2 km. Chiến sự diễn ra ác liệt, quân ta tiêu diệt một số lính Pháp, trong đó có Trung uý Thui Sy, thuộc Đoàn bộ binh thuỷ quân. Đến gần tối, vũ khí quân ta đã cạn, địch tràn vào chiếm được pháo đài chính. Sau khi tiêu diệt một số lực lượng lớn quân địch, các lãnh tụ nghĩa quân quyết định rút lui để bảo toàn lực lượng. Một số nghĩa quân, trong đó có ông Trần Văn Trình (Yên Phú) yểm trợ cho nghĩa quân rút lui. Khi giặc Pháp đến gần, quyết không để chúng bắt, ông đã tự sát anh dũng để lại niềm tiếc thương, kính trọng vô hạn của nhân dân. Sau khi Mã Cao thất thủ, giặc Pháp điên cuồng cho lính sục sạo càn quét các làng quanh căn cứ, trong đó có các làng (Yên Phú). Chúng đã đốt trụi 1/3 làng Bùi Hạ, bắt toàn bộ trâu, bò, gà, thu toàn bộ thóc gạo của dân làng. Song nhân dân vẫn một lòng ủng hộ, che dấu nghĩa quân(1) để tiếp tục hoạt động ở miền núi rừng phía Tây Thanh Hoá. 

           Do chênh lệch về tương quan lực lượng, cuộc chiến đấu ở Ba Đình, Mã Cao cũng như phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hoá và cả nước đã thất bại, nhưng càng nung nấu thêm truyền thống yêu nước. Nhân dân Yên Phú đã cùng với nhân dân trong huyện, tỉnh tiếp tục hưởng ứng các phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX như chống bắt lính, chống thuế, đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh... 

          Song các phong trào yêu nước mang khuynh hướng chính trị tư sản đó do không có đường lối đúng đắn, nên đều bị thất bại. Trong khi đó, phong trào yêu nước của nhân dân ta ngày một dâng cao đòi hỏi bức thiết cần phải có một chính Đảng lãnh đạo. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập; tiếp đó, ngày 29 tháng 7 năm 1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá ra đời đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh, trong đó có nhân dân các làng Yên Phú cùng nhân dân cả nước đi theo con đường cách mạng vô sản đánh đuổi thực dân phong kiến giành độc lập, tự do.

        Từ truyền thống lịch sử, văn hoá được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử xây dựng quê hương, đất nước sẽ là cơ sở, nền tảng để Đảng bộ và nhân dân Yên Phú kế thừa, phát huy giành thắng lợi trong những thời kỳ đấu tranh cách mạng tiếp theo.Phát huy truyền thống quê hương cách mạng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Phú hôm nay đang ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển về kinh tế- văn hóa xã hội, chính trị trong sạch vững mạnh, quốc phòng – an ninh đảm bảo. Phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ đó làm cho quê hương Yên Phú ngày càng giàu đẹp hơn.

 

Tùng Lê- Ban bên tập cổng TTĐT xã Yên Phú