Di tích Bái Lăng xã Yên Phú, huyện Yên Định, một kiệt tác của lịch sử nhưng còn nhiều ẩn tích!

Quần thể Nghệ thuật đá Bái Lăng ( hay còn có tên gọi là Bái Lăng, hay khu voi đá ngựa đá theo cách gọi dân dã của nhân dân) nằm tọa lạc trên địa phận làng Trịnh Lộc thuộc xã Yên Phú là một trong những điện thờ chú Trịnh Sâm khi chúa qua đời. Đây là một khu di tích độc đáo với hai hàng voi, ngựa, phỗng, sĩ đứng chầu uy nghi và được điêu khắc tinh xảo ở khoảng giữa thế kỷ XVII. Theo truyền khẩu của nhân dân địa phương thì họ cũng không biết chính xác thời điểm khu di tích này xuất hiện. Họ chỉ nói rằng sau một đêm thức dậy họ đã thấy khu di tích xuất hiện ở khu vực này. Mặc dù trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian nhưng hiện nay các pho tượng đá gần như vẫn còn giữ nguyên được dáng vẻ và các hoa văn trên tượng.

Với vị trí quan trọng của mình trong tiến trình lịch sử của tỉnh nhà, sau một thời gian khảo sát di tích ngày 08 tháng 7 năm 1995 Giám đốc Sở văn hóa-  thông tin đã kí quyết định “Bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích kiến trúc nghệ thuật đá Bái Lăng xã Yên Phú, huyện Thiệu Yên (ngày nay là huyện Yên Định)”.

        Vị trí: Khu kiến trúc nghệ thuật đá được tọa lạc trên địa phận làng Trịnh Lộc thuộc xã Yên Phú ngày nay. Khu di tích cách thị trấn Quán Lào 15km về hướng tây đường tỉnh lộ 516B; Cách TP Thanh Hóa khoảng 40km Quốc lộ 45

Đặc điểm: Sơ lược về đặc điểm tình hình địa phương Yên Phú, nơi có Quần thể di tích nghệ thuật đá Bái Lăng

Xã Yên Phú nằm ở phía tây của huyện Yên Định, cách Trung tâm huyện lỵ  khoảng 14km. Phía Bắc giáp xã Yên Tâm và Yên Giang; Phía Nam giáp xã Yên Thịnh và huyện Thọ Xuân; phía Đông giáp xã Yên Bái, Yên Hùng và Yên Trung; phía Tây giáp xã Yên Giang và huyện Thọ Xuân. Tiếp giáp với hệ thống sông Cầu Chầy, gần quốc lộ 45, có tỉnh lộ 516B chạy qua theo suốt chiều dài của xã. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 608,65ha. Trong đó đất nông nghiệp 393,22ha, đất phi nông nghiệp 178,52ha, còn lại là đất chưa sử dụng.

          Nhìn chung Yên Phú là xã thuần nông, Trong suốt chiều dài lịch sử xã đã tiếp nhận cư dân nhiều vùng miền về cộng cư lập nghiệp nên đã hội tụ được nhiều sắc thái văn hóa các vùng miền, làm giàu cho văn hóa quê hương.

Mặt khác xã nhà có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh nên rất thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hang hóa và dịch vụ công nghệ. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

          Trong những năm gần đây, nền kinh tế của xã chuyển dịch theo xu hướng tích cực, bộ mặt nông thôn xã thay đổi nhanh chóng, cơ sở hạ tầng được chỉnh trang, nâng cấp ngày càng hoàn thiện. Vì thế đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

          Yên Phú được chia thành hai làng đó là làng Bùi Hạ (gồm thôn 1 đến thôn 5) và làng Trịnh Lộc (gồm thôn 6 và thôn 7). Di tích nghệ thuật đá Bái Lăng thuộc thôn 6 làng Trịnh Lộc.

          Yên Phú, được công nhận là quê hương cách mạng – nơi có những di tích gắn liền với lịch sử và thời gian: nghè thượng, giếng lược, giếng xăng. Đình trung, khu kiến trúc nghệ thuật đá Bái Lăng;… Tuy nhiên, theo thời gian một số di tích lịch sử đã dần mai một và không còn. Hiện nay vẫn còn khu di tích Bái lăng là vẫn còn tồn tại với thời gian.

          Thời điểm lịch sử ra đời quần thể di tích nghệ thuật đá Bái lăng

Di tích nghệ thuật đá Bái Lăng được hình thành từ giữa thế kỷ XVII vào thời Vua Lê- Chúa Trịnh.

Từ Thái vương Trịnh Kiểm truyền đến Trịnh Sâm vừa được tám đời thì xảy ra biến loạn. Đây là khoảng thời gian nhà Trịnh đi vào khủng hoảng. Bái Lăng được xây dựng vào khoảng thời gian trước hoặc sau khi chúa Trịnh Sâm qua đời.

          Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm là vị chúa Trịnh thứ 9, thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam. Trịnh Sâm là con trưởng của Minh Đô Vương Trịnh Doanh.

          Năm 1745, ông được lập làm Thế tử. Trịnh Doanh tỏ ra cẩn trọng việc nuôi dạy con, bổ dụng hai tiến sĩ là Dương Công Chú và Nguyễn Hoàn làm tư giảng cho Trịnh Sâm.

          Tháng 10 năm 1758, Trịnh Doanh phong cho ông làm Tiết chế thuỷ bộ chủ quân, Thái uý Tĩnh Quốc Công mở phủ Lượng Quốc và hết thảy công việc triều chính được giao cho Trịnh Sâm làm.

          Mùa xuân năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi, tiến phong là Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Tĩnh Đô Vương. Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán. từ nhỏ, ông đã học được đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, Trịnh Sâm có đủ tài văn võ, đã xem khắp kinh sử và biết làm thơ. Lên ngôi chúa, từ kỷ cương triều nội đến chính sự cả nước, Trịnh Sâm cho sửa đổi lại vì cho rằng phép tắc triều trước là nhỏ hẹp, nay Trịnh Sâm muốn làm to rộng hơn, nên nhiều phần tự quyết đoán, không theo lệ cũ.

             Tuy nhiên sau khi đã dẹp yên các cuộc khởi nghĩa lớn, bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ, dần kiêu căng xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thỏa thích. (Theo “Các triều đại Việt Nam” của Quỳnh Cư và Đỗ Hữu Hùng)(1)

(1)Vấn đề này sẽ được làm rõ trong bài: “ Hậu thế nên công tâm với Chúa Trịnh Sâm” của tác giả Ninh lan Bắc- đã được đăng trong báo Người cao tuổi Việt Nam, hoặc chúng tôi cũng đã đưa trong cổng thông tin điện tử của xã Yên Phú.

Trong số các phi tần được chúa lập có tuyên phi Đặng Thị Huệ, bà là một giai nhân bậc nhất của phủ chúa và cũng rất được chúa Trịnh Sâm sủng ái. Theo Từ điển Lịch sử nhân vật Việt Nam, thì bà là một người đã gây ra nhiều tai ách trong phủ chúa Trịnh và triều đình Hậu Lê, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị - xã hội  Đàng Ngoài.  Người đã làm thay đổi, hỗn loạn triều đình nhà Trịnh về sau.

Chân dung chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán trong Trịnh gia chính phả

Di tích nghệ thuật đá Bái Lăng:

Nguồn gốc di tích

           Như ở trên chúng ta đã biết di tích nghệ thuật đá Bái Lăng được xây dựng

Vào khoảng đời chúa Trịnh Sâm. Quần thể di tích nghệ thuật đá được tọa lạc trên vùng đất bằng phẳng, thế đứng uy nghiêm của các pho tượng như trấn giữ linh khí cho mãnh đất thiêng.

          Tại cánh đồng Bái Lăng vẫn còn nền móng các tòa thờ bằng đá cùng các pho tượng voi, ngựa, vũ sĩ, phỗng chầu bằng đá xanh đứng, ngồi hai hàng uy nghi, hoành tráng trước đền thờ Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm với tổng diện tích khoảng 5.000 mét vuông, Trước đây tại di tích này còn có khu nhà thờ bằng đá, theo các cụ nói di tích còn nguyên vẹn tới thời cải cách ruộng đất (1955), mãi sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc (1965 - 1975) di tích mới bị người dân "khai thác" lấy đá nung vôi. Cách nền ngôi đền đá khoảng 200 mét về bên phải là ngôi mộ cũ của chúa Trịnh Sâm vẫn còn vết tích khoang mộ có kết cấu bê tông vôi mật. Theo lời truyền khẩu của nhân dân địa phương, trước khi quân Tây Sơn đánh chiếm Thăng Long (1786), con cháu họ Trịnh đã bí mật di chuyển ngôi mộ này về xã Quý Lộc, vì ngại điều bất trắc xảy ra.

          Việc Tuyên phi Đặng Thị Huệ được kể lại sau khi chúa Trịnh Sâm mất, mâu thuẫn nội phủ càng phát sinh nghiêm trọng nên Bà Chúa Chè (dân gọi Tuyên Phi Đặng Thị Huệ) bị đày về đây trông nom phục dịch mộ chồng. Bà suốt ngày im lặng làm việc hương khói và quét dọn lăng mộ cùng ngôi đền thờ Chúa. Nhân ngày giỗ chúa đoạn tang, bà tuẫn tiết bằng thuốc độc và được an táng cách mộ chúa khoảng 600 mét. Khu mộ của bà hiện tại ở gần trụ sở UBND xã Yên Phú. Lời truyền khẩu của nhân dân tại đây còn nói thêm về tình yêu tha thiết và tính chung thủy của Tuyên Phi chẳng hề biết mình bị đọa đày, quản thúc hoặc không coi đọa đày, quản thúc là phiền mặc, chỉ một lòng suốt ba năm giời ra quét dọn ngôi đền thờ và trông nom mộ chúa để thường xuyên được kể lể với chúa (Trịnh Sâm) câu chuyện vợ chồng, câu chuyện trong cung, ngoài phủ cùng lẽ thuận, nghịch nơi biên niên thiên địa trần gian này vốn lắm trù dập khôn nguôi...cho đến ngày mãn tang chồng, Tuyên Phi đã tuẫn tiết theo chúa, khi chết gương mặt của bà vẫn đẹp, vẫn mỉm cười với cõi đời chật hẹp, khó thấm tình khoan dung...

          Theo các cụ cao niên trong làng thì họ không biết chính xác nguồn gốc của quần thể đá này. Chỉ biết rằng sau một đêm ngủ dậy thì đã thấy xuất hiện ở đấy.

          Vấn đề đặt ra là: “Tại sao sau một đêm đã xuất hiện một quần thể đá kì vĩ như vậy?”, và “Họ đã vận chuyển bằng cách nào?”. “Đá được lấy từ đâu để điêu khắc nên?”, “Mục đích của họ khi đặt quần thể đá này là gì?”…Hàng loạt các câu hỏi về di tích này được đặt ra cần lời giải đáp.

          Khi các nhà nghiên cứu vào cuộc, có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Nhưng có một giả thuyết đặt ra là: “Vào thời kỳ khủng hoảng của nhà Trịnh, khoảng giữa thế kỷ thứ XVII (Thời Trịnh Sâm) đã di tản về hướng Tây Bắc và khi chúa Trịnh qua đời thì một số lăng tẩm được dựng lên và đây là một trong số đó. Còn vận chuyển chủ yếu khi ấy là bằng đường sông và được quan binh vận chuyển bằng bè. Đoàn đã dừng lại ở Yên Ninh ngày nay nên ở đấy mới có một làng tên là Trịnh Xá. Nhưng thấy địa thế ở đây không được ưng ý nên di chuyển lên phía trên đến làng Trịnh Lộc xã Yên Phú ngày nay thấy có thế đất đẹp, thế rồng chầu ( thế đất ở xã Yên Phú lên xuống uốn lượn như dáng rồng) nên đặt vị trí xây lăng ở đây. Và tên làng Trịnh Lộc cũng có từ đó (với ý nghĩa chúa Trịnh ban Lộc). Còn một giả thuyết đá tạc tượng được lấy ở núi Nhồi hay còn gọi là núi Khế hay Nhuệ Sơn thuộc địa phận phường An Hoạch và các xã Đông Hưng, Đông Tân, Thành phố Thanh Hóa.

          Trải qua hơn 500 năm lịch sử và hai cuộc kháng chiến trường kỳ, quần thể di tích đá Bái Lăng vẫn còn trường tồn với thời gian. Mặc dù nó không còn nguyên vẹn như trước nhưng quần thể di tích đá này vẫn mang một nét đẹp uy nghi kỳ vĩ.

 Giới thiệu về di tích lịch sử nghệ thuật đá Bái Lăng:

          Quần thể di tích nghệ thuật đá Bái Lăng gồm những pho tượng đá được bố trí thành hai hàng gồm 16 pho tượng, mỗi bên gồm 8 tượng xếp thẳng hàng nhau. Ngay giữa lối vào được đặt hai pho tượng ông Dã Quỳ (Ông Phổng) cụt hai tay và ở tư thế quỳ. Mỗi pho tượng mang một dáng vẻ, nét biểu cảm khác nhau. Nhưng có thể khẳng định một điều là nghệ thuật điêu khắc đá thời đấy (thế kỷ XVII) đã đạt đến trình độ cao, mặc dù tất cả các thao tác bằng thủ công nhưng các họa tiết rất tinh xảo và có hồn.

Hàng pho tượng đá phía trái của lăng

Các pho tượng tướng sỹ

Pho tượng voi đá

Hoa văn trên các pho tượng được điêu khắc tinh xảo

Ngày nay vẫn còn những câu thơ ca ngợi vùng đất “địa linh nhân kiệt” còn lưu dấu tích về khu lăng đá ở làng Trịnh Lộc:

Voi quỳ khiếp bóng im phăng phắc

Ngựa phục kình di chẳng xi xăng

Võ sỹ tay cầm gươm chăm chắm

Chiêm Thành quỳ phục tội giăng giăng

 Kẻ qua người lại đều thăm hỏi

Đất có anh hung mới thế chăng

Trịnh Lộc ta nay đất có Lăng

Địa linh nhân kiệt sánh ai bằng.

Với vị trí quan trọng của mình trong tiến trình lịch sử của tỉnh nhà, sau một thời gian khảo sát di tích ngày 08 tháng 7 năm 1995 Giám đốc Sở văn hóa-  thông tin đã kí quyết định “Bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích kiến trúc nghệ thuật đá Bái Lăng xã Yên Phú, huyện Thiệu Yên (ngày nay là huyện Yên Định)”.

Thực trạng quần thể di tích nghệ thuật đá Bái Lăng: Xung quanh di tích ngày nay là những cánh đồng lúa, ớt và các hoa màu khác tạo nên bức tranh trù phú của một làng quê đang trong thời kỳ phát triển.

Cánh đồng hoa màu của người dân làng Trịnh Lộc

Ở làng Trịnh Lộc ngày này còn rất nhiều hậu duệ của hai dòng họ Lê, Trịnh đang sinh sống. Tuy nhiên qua thời gian, các pho tượng đã không còn giữ nguyên dáng vẻ như trước. Có pho tượng đá đã bị đứt tay, gẫy tay và bị sứt mẻ…, cỏ dại mọc khắp nơi.

Pho tượng ông Dã Quỳ

Ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa thể quy hoạch, chỉnh trang, trùng tu lại khu di tích này. Một số người dân, nhất là bộ phận trẻ em chưa biết đến nguồn gốc của di tích nghệ thuật đá này.

          Tuy còn sơ khai do địa phương chưa đủ kinh phí tôn tạo nhưng hàng năm nơi đây vẫn là một điểm đến thú vị cho các đoàn khách thập phương và lòa điểm tham quan thực tế của học sinh các trường lân cận trong xã .

Các bạn học sinh tham quan, tìm hiểu di tích nghệ thuật đá Bái Lăng

Khách tham quan từ nhiều nơi đến tìm hiểu

 

Thực hiện: Ban Văn hóa xã Yên Phú

 

Tùng Lê- Ban bên tập cổng TTĐT xã Yên Phú