Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin xã Yên Phú, huyện Yên Định như thế nào?
266 người đã bình chọn
157 người đang online

KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI YÊN PHÚ

100%

Yên Phú là một xã thuần nông thuộc huyện Yên Định, nằm cách huyện lỵ (Quán Lào) 15 km về phía Tây; cách Thành phố Thanh Hoá (đi theo Quốc lộ 45) hơn 40 km về phía Tây. Vị trí địa lý nằm ở 105o37'41'' kinh độ Đông và 20o00'31'' vĩ độ Bắc. Phía Đông giáp làng Quảng Đại, xã Yên Bái; phía Tây giáp sông Cầu Chày và làng Lạc Thượng, xã Yên Giang; phía Nam giáp làng Phúc Tỉnh, xã Yên Thịnh; phía Bắc giáp xã Yên Tâm và Yên Trung. Xã có chiều dài gần 3 km (từ phía Đông Nam đến phía Tây Bắc); chiều rộng 2 km.

     Quần thể Linh tự, nhà bia, Trung tâm văn hóa xã

     Diện tích tự nhiên toàn xã hiện nay là 608,56 ha ( trong đó đất canh tác 478,36 ha, đất gò đồi 42 ha, đất thổ cư 74 ha) và dân số có 1019 hộ, 4280 khẩu ở 7 thôn: Bùi Hạ 1,2,3,4,5 và Trịnh Lộc 1 và Trịnh Lộc 2.

   Năm 2018 thực hiện theo quyết định số 3110/QĐ-UBND, ngày 17/8/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đổi tên, chuyển thôn thành khu phố; sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố tại xã, phường, thị trấn thuộc huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Yên Phú từ 7 thôn sáp nhập còn 3 thôn: thôn Bùi hạ 1, thôn Bùi hạ 2 và thôn Trịnh Lộc. Cụ thể: thôn Bùi Hạ 1 gồm thôn 1, thôn 2, một phần thôn 3 và một phần thôn 4; thôn Bùi Hạ 2 gồm một phần thôn 3, một phần thôn 4 và thôn 5; thôn Trịnh Lộc gồm thôn 6 và thôn 7.

      Địa hình và đất đai: là một xã nằm ở phía Tây huyện Yên Định - một huyện đồng bằng tiếp giáp với miền núi, trung du của tỉnh Thanh Hoá (phía Tây Yên Định giáp các huyện miền núi Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, nên Yên Phú mang đậm địa hình của một vùng bán sơn địa: đất đai không bằng phẳng, đồng ruộng vừa có đồng sâu, ruộng bậc thang và lắm gò đồi với dải đất cao từ 2,8 m đến 15 m, được cấu tạo bằng lớp phù sa  cổ của sông Mã và sông Cầu Chày. Do nằm ở giáp lưu vực sông Mã (cách Yên Phú 4 km về phía Đông Bắc) và sông Cầu Chày (chảy qua xã ở phía Tây Nam). Đất đai thổ nhưỡng Yên Phú đa dạng gồm đất phù sa cổ với đất thịt, cát pha và đất Feralit đất đỏ, sỏi, đá ong ở vùng đồi gò. Tầng đất dày, dưới từ 25 centimet trở xuống xuất hiện kết vón mang gan, sắt từ 10%  trở lên. Tầng mặt thành phần cơ giới, cát pha đến thịt nhẹ, màu sắc xám nâu nhạt đến xám sáng, đất chua... Ở những nơi thoát nước trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày; những nơi thấp trũng trồng lúa. Do đó, đất đai Yên Phú phù hợp trong phát triển nông nghiệp trồng lúa, màu, ngô, khoai, sắn, lạc, vừng, đậu và trồng cây công nghiệp như bông, mía. Trong đó, Yên Phú có khoảng 1/3 đồng ruộng (Làng Trịnh Lộc) thuộc vùng hữu ngạn sông Mã (giáp xã Yên Bái, Yên Hùng) khá bằng phẳng, chất đất màu mỡ do được phù sa sông Mã bồi đắp hàng ngàn năm, phù hợp trồng cây lúa nước cho năng xuất cao.

     Theo phân vùng kinh tế của huyện Yên Định, Yên Phú thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm(1) (1) Tiểu vùng kinh tế trung tâm huyện Yên Định gồm các xã Yên Hùng, Yên Ninh, Định Liên, Định Hưng, Thị trấn Quán Lào, Yên Trường, Yên Phong, Yên Bái, Yên Phú, Yên Thịnh, Yên Lạc, Định Tăng) với hướng chuyên môn hoá chính là trồng lúa, cây công nghiệp hàng năm, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.

     Là vùng cửa ngõ tiếp giáp với vùng núi rừng phía Tây của Thanh Hoá nên xưa kia, rừng ở Yên Phú chiếm diện tích khá lớn với nhiều cây gỗ quý như lim, dổi... và có nhiều động vật hoang dã về đây trú ngụ như hổ, báo, lợn rừng... Hiện nay, rừng tự nhiên ở Yên Phú không còn. Song, với cơ chế kinh tế mới, Đảng bộ và nhân dân Yên Phú đã và đang đẩy mạnh phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống gò, đồi trọc góp phần phát triển kinh tế và làm cân bằng hệ sinh thái môi trường.

     Yên Phú có sông Cầu Chày(2) ((2) Sông Cầu Chày: trên chữ là Chày Giang, Ngọc Chày, có tên này vì con sông giống như cái chày) là phụ lưu của sông Mã chảy qua dài 4,3 km ở phía Tây Nam xã. Sách Đại Nam Nhất thông chí ghi: "Sông Ngọc Chày: tục gọi là sông Cầu Chày ở cách huyện Thuỵ Nguyên hai dặm rưỡi về phía Bắc, nguồn từ địa phận châu Lang Chánh chảy qua địa phận hai huyện Yên Định và Thuỵ Nguyên đổ vào sông Mã. Nước sông thường đứng và có chướng khí" ((3) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội, 1970. Tr 236.)Qua khảo sát thực tế cho thấy: sông Cầu Chày bắt nguồn từ huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc với 2 nhánh có tên gọi là sông Bèo và sông Sên cùng chảy đến địa phận xã Yên Phú thì hợp lưu nên nơi đây được gọi là ngã ba sông Cầu Chày. Địa phương còn truyền câu ngạn ngữ "Sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi" ý nói nước rất  độc. Sông Cầu Chày chảy qua Yên Định, Thị Xuân, Thiệu Hoá rồi nhập vào sông Mã ở phía hữu ngạn cách làng Giàng (Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá) khoảng 9 km về phía thượng lưu.

     Sông Cầu Chày chảy qua đã tạo thuận lợi cho địa phương trong giao thông đường thuỷ và phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Nhưng xưa kia  gặp nhiều khó khăn, bởi sông hẹp, độ dốc tương đối nhỏ, khi mưa thoát nước chậm, ứ đọng thường xẩy ra nạn úng lụt thiệt hại mùa màng, có năm mất trắng (như nạn lụt năm 1927,1975 vỡ đê Đa Bò ngập chìm 2/3 xã) nhân dân lâm vào cảnh đói rét cơ cực.

     Từ hoà bình lập lại (năm 1954), công tác thuỷ lợi trị thuỷ các dòng sông đã được Nhà nước chú trọng. Tại huyện Yên Định, đến nay đã xây dựng được 5 trục tiêu lớn gồm Tường Vân, Tân Bình, Yên Thôn, Cầu Khải và Kiểu đảm bảo cho 3.000 ha đất canh tác của huyện. Trong đó có đồng ruộng Yên Phú được bảo vệ trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, trạm bơm Nam Sông Mã cùng với hệ thống trạm bơm của xã Yên Phú đã khắc phục cơ bản khi xẩy ra hạn ở địa phương. Do công tác thuỷ lợi, đê điều và hệ thống mương máng được xây dựng và thường xuyên bồi trúc đã tạo điều kiện tưới, tiêu thuận lợi để nông nghiệp Yên Phú phát triển.

     Khí hậu: Yên Phú cũng như nhiều xã ở phía Tây huyện Yên Định thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt độ cao. Mùa Đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau) khí hậu hanh khô giá rét, có khi giảm nhiệt độ xuống dưới 10oC (rét đậm, rét hại). Mùa Xuân (tháng 2, 3) mưa phùn ấm hơn mùa Đông. Mùa Hè nóng bức nhất là vào tháng 5 và 6, có gió Lào (gió Tây Nam) khô nóng, nhiệt độ có ngày tăng lên trên 40oC. Nhiệt độ trung bình 23oC - 24oC. Mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10), mưa lớn nhất là vào tháng 8 và 9 thương gây úng lụt. Thiên tai thường xẩy ra là rét đậm, rét hại, bão úng lụt, đôi khi có mưa đá... Điều kiện khí hậu đã đem lại thuận lợi cho Yên Phú phát triển nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, cũng không ít khó khăn trong mùa mưa bão, gây úng lụt phá hoại mùa màng, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân, đòi hỏi địa phương cần có kế hoạch chủ động phòng tránh và khắc phục.

     Về giao thông đường thuỷ: địa phương có sông Cầu Chày chảy qua nằm trong hệ thống sông Mã cùng với các chi lưu của nó đã tạo thuận lợi trong giao lưu đường thuỷ. Thuyền, bè địa phương từ sông Cầu Chày nối với sông Mã sẽ ngược xuôi lên rừng, xuống biển tới các vùng, miền trong và ngoài tỉnh.

     Hệ thống giao thông bộ ở Yên Phú từ các đường liên thôn, liên xã nối với Quốc lộ 45 và Tỉnh lộ 516B đã tạo điều kiện đi lại trong, ngoài tỉnh tới mọi miền đất nước. Hiện nay, hệ thống đường liên thôn, liên xã ở Yên Phú đang được bồi trúc mở rộng và bê tông hoá, góp phần tạo điều kiện để địa phương đẩy mạnh giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.

     Điều kiện địa lý tự nhiên với đất đai, sông ngòi, khí hậu ở Yên Phú đã tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế ở Yên Phú. Trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp trồng trọt thâm canh lúa, hoa màu, cây công nghiệp; phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, nuôi thả cá... Đồng thời, đẩy mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như sản xuất vật liệu xây dựng, mộc dân dụng... dịch vụ.

     Đảng bộ và nhân dân Yên Phú đã và đang phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn của điều kiện tự nhiên, tích cực đẩy mạnh khai thác tiềm năng thiên nhiên phục vụ thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa xã nhà trở thành một vùng quê mạnh giàu.

     QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ LÀNG XÃ

     Trên đất Yên Định, khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích cư trú của con người tại các di tích Núi Nuông (xã Định Hoà, Định Thành) nằm bên tả ngạn sông Cầu Chày và núi Quan Yên (xã Định Công) nằm bên hữu ngạn sông Mã thuộc thời đại đồ đá (cách ngày nay 30 - 40 vạn năm). Qua đó khẳng định cách ngày nay hàng vạn năm trên đất Yên Định ở những vùng nằm dọc theo lưu vực sông Mã, sông Cầu Chày, trong đó có (Yên Phú nay) đã có dấu tích cư trú của con người.

     Vào thời kỳ đồng thau (cách nay khoảng 4.000 - 3.000 năm) tại Yên Định, khảo cổ học đã tìm thấy di tích cư trú của con người ở Tiến Nông, Đan Nê... Đến văn hoá Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2.000 năm) là các di tích Định Công, Yên Thôn... Điều đó chứng tỏ, đến thời kỳ này, cư dân Yên Định đã cư trú rộng khắp lưu vực sông Mã và sông Cầu Chày, trong đó có vùng đất Yên Phú ngày nay thuộc bộ Cửu Chân trong đất nước thuở các vua Hùng dựng nước Văn Lang.

     Thời thuộc Hán, Yên Phú nay là vùng đất thuộc các huyện Tư Phố, Vô Biên, quận Cửu Chân.

     Thời Tuỳ (603 - 617) vùng đất Yên Phú thuộc huyện Quân An. Thời Đường (618 - 906) đến thời kỳ Đinh - Tiền - Lê - đầu thời Lý (thế kỷ X - XI) thuộc huyện Quân Ninh, quận Ái Châu.

     Việc dựng ấp, lập làng ở vùng đất (Yên Phú nay) diễn ra  vào thế kỷ X với 2 làng Bùi Hạ và Trịnh Lộc đến nay đã không ngừng phát triển và trải qua một quá trình lịch sử.

     Đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các xóm làng (thuộc Yên Phú nay) được lập như sau:

     - Làng Bùi Hạ: Theo Ngọc phả thôn Bùi Hạ(1) ((1) Ngọc Phả thôn Bùi Hạ. Do Hàn Lâm Viện, Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Người dịch: Nguyễn Văn Phong.)thì làng được lập vào thế kỷ X (thời Đinh - Tiền Lê). Khi Lê Hoàn còn là danh tướng dưới triều Đinh Bộ Lĩnh (970 - 979) một lần đi qua vùng đất (thôn Bùi Hạ nay), với nhãn quan quân sự, ông nhận thấy vùng đất này có vị trí thuận lợi trong giao lưu đường thuỷ và bộ giữa đất phên dậu Ái Châu (Thanh Hoá) với kinh đô Hoa Lư. Do đó, Lê Hoàn đã cho lập đồn luỹ, dựng kho quân lương, dùng làm nơi luyện tập quân sỹ, đặt tên là Quần Ngãi Doanh. Sau đó, Lê Hoàn đã cho quân lính ở lại đây cùng một số cư dân địa phương (lúc đó đang ở Trại Bái) hợp sức cùng khai khẩn đất đai lập làng. Lê Hoàn đã cấp cho dân ấp 100 quan tiền để khai khẩn ruộng vườn, miễn các thứ thuế binh, lương trong vòng 5 năm và đổi tên là Trang Quần Ngải. Đồng thời còn cho lập miếu thờ thần thổ địa, phong là Phúc Linh Thần. Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế tự cầm quân dẹp giặc Tống xâm lược nước ta. Khi hành quân đến đất Trang Quần Ngãi, Vua trú quân ở đây, đêm mộng thấy Thần Đại quản Lâm hổ uy đại tướng sẽ phù trợ Vua thắng trận. Hôm sau, Vua cầm quân đánh thắng giặc Tống, khi trở về đã phong thần là Dương Cảnh Thành hoàng Chiêu Hiển linh cảm, tên huý là Đại Quản Sơn Lâm hổ uy đại tướng quân thượng đẳng tối linh phúc thần đại vương. Chuẩn cho Trang Quần Ngãi dựng nghè chính thức hương hoả thờ phụng. Trang Quần Ngãi ngày càng đông đúc dân cư đến tụ cư lập nghiệp.

     Đến thời Lý (1010 - 1225) Trang Quần Ngãi đổi tên là làng Bùi Hạ, thuộc huyện An Định, lộ Thanh Hoá.

     Thời Trần - Hồ và thuộc Minh: làng Bùi Hạ vẫn thuộc huyện Yên Định.

     Đến thời Lê Thánh Tông - năm Quang Thuận thứ nhất (1460 - 1469) Bùi Hạ thuộc huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hoá.

     Thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) thôn Bùi Hạ thuộc xã Khoái Lạc, tổng Khoái Lạc, huyện Yên Định, Phủ Thiệu Thiên ((1) Tên làng, xã Việt Nam đầu thế kỷ XX. NXB Khoa học xã hội. HN 1981. Tr 114. Xã Khoái Lạc có 3 làng: Bùi Hạ, Bùi Thượng và Ngọc Trì (làng Ngọc))

     Đời Đồng Khánh (1886 - 1888) đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bùi Hạ thuộc xã Khoái lạc, tổng Khoái Lạc, huyện Yên Định, phủ Thiệu Hoá(2)((2) Viện nghiên cứu Hán - Nôm. Đồng Khánh dư địa chí. NXB Thế giới. HN 2003. Tr 1110.)

     Đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Bùi Hạ chia thành 7 xóm: xóm Ca Bãi, Ngãi Ngón, Ao, Vỗng, Cây Cáo, Cây Thị. Các xóm được nối với nhau bởi một hệ thống đường liên xóm và dân tụ cư dọc theo 2 bên trục đường. Để đảm bảo về quản lý và điều hành việc làng, xã (chủ yếu thành viên là trai đinh), làng chia thành các giáp Ngải Thọ, Ngải Thượng, Nhân Công, Nhân Trung và Nhân Phượng. Về sau lại đổi tên 6 giáp trên là Đông Lạc, Giáp Ngải, Giáp Tửa, Đông Nhất, Đông Nhè và Nhân Trung.

      - Làng Trịnh Lộc (còn gọi là Trịnh Lọc):

     Làng được lập từ thời Tiền Lê (thế kỷ X) do tướng Đào Lang - một danh tướng dưới triều Tiền Lê quê ở Bùi Đỉnh(3) ((3) Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Định (1930 - 1975). NXB Chính trị Quốc gia. HN 1999. Tr 27.) (Yên Phú nay) tạo dựng. Lúc đầu tên là Trại Đỉnh (còn gọi là Đểnh). Sau đó, cư dân đông đúc đã lập thành làng.

     Thời Lý (1010 - 1225), làng Đỉnh thuộc huyện An Định, lộ Thanh Hoá; đến thời Trần - Hồ thuộc Minh vẫn thuộc huyện Yên Định.

     Thời Lê Sơ (thế kỷ XV), tên làng được đổi là làng Bùi Đỉnh.

     Thời Lê - Trịnh (vào thế kỷ XVIII), nhà Trịnh xây lăng trên đất của làng với một công trình kiến trúc nghệ thuật Đá hoành tráng. Từ đây, tên làng được đổi là Trịnh Lộc (với ý nghĩa làng được chúa Trịnh ban lộc).

     Thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, thôn Trịnh Lộc thuộc xã Lộc Bội, tổng Đan Nê, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoá(1).

     Từ triều Đồng Khánh (1886 - 1888) đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, là xã Trịnh Lộc, thuộc tổng Đan Nê, huyện Yên Định, phủ Thiệu Hoá(2). Để quản lý và điều hành việc làng, xã, Trịnh Lộc được chia thành 3 giáp: Giáp Đông, Giáp Trung và Giáp Tây.

     Về tổ chức hành chính trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:

     Mỗi làng đều có Lý trưởng, có "Hội đồng kỳ mục". Thành phần gồm: Tiên cựu Cai tổng, phó Tổng, chức sắc quan lại nghỉ hưu và cựu phó, Lý trưởng là cơ quan tư vấn, nhưng thực chất lại có quyền quyết định toàn bộ các công việc của làng. Hội đồng lý dịch bao gồm: Lý trưởng, Phó lý và bộ phận ngũ hương về danh nghĩa thay mặt cho Nhà nước phong kiến ở địa phương. Song nó đã trở thành bộ phận thừa hành mọi quyết định của Hội đồng kỳ mục do Tiên chỉ, Thứ chỉ đưa ra. Từ khi thực dân Pháp cai trị nước ta, tổ chức hành chính làng, xã có sự thay đổi. Năm 1921, thực dân Pháp thực hiện "Cải lương hương chính" đã thay thế "Hội đồng kỳ mục" bằng "Hội đồng tộc biểu" gồm thành phần là các đại diện cho các dòng họ trong làng. Đứng đầu tộc biểu là Chánh hội và Phó chánh hội. Song cuộc cải lương này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của "Hội đồng kỳ mục" nên hoạt động của "Hội đồng Tộc biểu" không đạt hiệu quả.

      Trước tình hình trên, năm 1937 thực dân Pháp đã phải tái thành lập lại "Hội đồng kỳ mục" cùng đứng bên cạnh "Hội đồng tộc biểu". Đến năm 1941, thì "Hội đồng tộc biểu" đã bị xoá bỏ. Tổ chức hành chính của làng lại trở lại như cũ, gồm: "Hội đồng kỳ mục" đứng đầu là tiên, thứ chỉ và bộ máy chức dịch của làng, đứng đầu là Lý trưởng, Phó lý.

      Sự thay đổi đơn vị hành chính làng, xã ở Yên Phú từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay (2009):

     Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, sau bầu cử Quốc hội khoá I (ngày 6 tháng 1 năm 1946) xoá đơn vị tổng, bầu cử HĐND 2 cấp (Tỉnh và xã), tháng 11 năm 1946, hai làng Bùi Hạ và Trịnh Lộc thuộc xã Yên Phú (lớn)(1).

     Năm 1953, thực hiện chủ trương phát động quần chúng giảm tô, huyện Yên Định chia thành 28 xã. Riêng xã Yên Phú (cũ) chia thành 4 xã gồm: Yên Phú, Yên Lâm, Yên Tâm, Yên Giang. Xã Yên Phú (mới) có 375 hộ, 1.500 khẩu, gồm 2 thôn Bùi Hạ và Trịnh Lộc. Mỗi thôn lại được chia thành các xóm gồm:

     - Thôn Bùi Hạ gồm 7 xóm: Phúc Thịnh, Hưng Long, Thăng Long, Đa Thịnh, Tân Tiến, Tân Phúc, Tân Lập với 18 dòng họ cùng cộng cư chung sống.

     - Thôn 5 Trịnh Lộc gồm 4 xóm: Phúc Lộc, Thịnh Lộc, Yên Tường, Yên Tu với 15 dòng họ.

      Hiện nay (năm 2018) xã Yên Phú gồm 2 thôn (lớn): Bùi Hạ và Trịnh Lộc được chia thành 7 thôn theo số thứ tự như sau:

     - Thôn Bùi Hạ 1, Bùi Hạ 2, Bùi Hạ 3, Bùi Hạ 4, Bùi Hạ 5, Trịnh Lộc 1, Trịnh Lộc 2.

     Trên mảnh đất Yên Phú trải qua hơn ngàn năm lịch sử (từ thế kỷ X - thời Đinh - Tiền Lê) đến nay đông đảo các dòng họ đã đến đây khai canh, lập ấp tạo dựng xóm làng. Trong quá trình cùng đoàn kết vượt mọi khó khăn chiến thắng thiên tai, địch hoạ, các dòng họ nơi đây trải qua bao thế hệ đã chung sức, đồng lòng xây dựng Yên Phú không ngừng phát triển về mọi mặt: kinh tế, văn hoá, xã hội, xứng đáng với vùng quê giàu truyền thống lịch sử và cách mạng.

 

 

°